17
SEP
Bảo tồn tranh Hàng Trống: Kết nối nghệ thuật truyền thống và đương đại
Ở vị trí trung tâm nội đô lịch sử, Hoàn Kiếm là quận có diện tích nhỏ so với các quận, huyện khác nhưng có 190 di tích lịch sử văn hóa gắn liền với bề dày truyền thống lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long – Hà Nội; cũng là nơi hội tụ của rất nhiều làng nghề, phố nghề nổi tiếng như vàng bạc Kim Hoàn ở phố Hàng Bạc, nghề tranh Hàng Trống, nghề đông nam dược Lãn Ông, phố nghề làm các đồ chơi dân gian ở phố Hàng Mã...
Theo UBND quận Hoàn Kiếm, là đầu mối giao lưu văn hóa của cả nước và quốc tế, Hoàn Kiếm có nhiều điều kiện tiếp xúc rộng rãi với những thành tựu, sản phẩm văn hóa trong nước và quốc tế, góp phần làm phong phú đời sống văn hoá - tinh thần.
Trong nhiều năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể luôn được quan tâm chú trọng trong đó có nội dung về bảo tồn tranh dân gian Hàng Trống.
Tranh dân gian Hàng Trống còn là dòng tranh tiêu biểu của Việt Nam và là dòng tranh dân gian của Thăng Long - Hà Nội xưa. Tranh Hàng Trống phản ánh tư tưởng, văn hóa, tôn giáo của dân tộc, là kết quả của sự giao thoa văn hóa giữa Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo. Tranh dân gian Hàng Trống từng là một sản phẩm tinh thần của hầu hết người dân Hà Nội cũng như của khu vực đồng bằng Bắc Bộ, nhưng những năm gần đây, tìm được một bức tranh Hàng Trống đích thực không phải là dễ.
Trước nguy cơ mai một, thất truyền và những thách thức, khó khăn của các dòng tranh dân gian trong đời sống đương đại hiện nay, trong những năm qua, quận Hoàn Kiếm đã chủ động tổ chức nhiều hoạt động trưng bày, trình diễn dòng tranh dân gian Hàng Trống đến gần hơn với công chúng.
Năm 2020, sau khi ngôi đình Nam Hương nằm trên phố Hàng Trống quận Hoàn Kiếm được trùng tu, tôn tạo. Tại đây đã diễn ra sự kiện trưng bày các tác phẩm thuộc dự án "Từ truyền thống tới truyền thống" của các sinh viên khoa Hội họa (Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam).
Đây là kết quả của một quá trình miệt mài học hỏi trực tiếp của các sinh viên với nghệ nhân Lê Đình Nghiên - Nghệ nhân Ưu tú, Tranh dân gian Hàng Trống trong nhiều tháng trời. Sau dự án, công chúng và giới trẻ đã dành nhiều sự quan tâm hơn cho dòng tranh này. Không ít tác phẩm nghệ thuật, mỹ thuật ứng dụng sử dụng chất liệu tranh Hàng Trống đã đi vào cuộc sống, mang lại niềm tin về sự hồi phục dòng tranh này.
UBND quận đã phối hợp với họa sỹ Nguyễn Thế Sơn, giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng dự án "từ truyền thống tới truyền thống" để đưa sinh viên khoa Hội họa của trường Đại học Mỹ Thuật Việt Nam đến học tập trực tiếp với nghệ nhân Lê Đình Nghiên. Sau một thời gian học hỏi trực tiếp với nghệ nhận, mới đây nhóm họa sỹ trẻ đã tiếp tục phối hợp với Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức triển lãm tại đình Nam Hương và trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ. Tại buổi triển lãm, khách tham quan chứng kiến "cuộc đối thoại" giữa quá khứ và hiện tại, giữa nghệ nhân với các nghệ sĩ trẻ và giữa các giá trị truyền thống với nghệ thuật đương đại.
Quận đã động viên doanh nghiệp trên địa bàn đưa hình ảnh tranh Hàng Trống vào các công trình kiến trúc để góp phần nhận diện di sản. Chủ đầu tư khách sạn L’Hôtel du LAC Hanoi (35 Hàng Trống) đã lấy cảm hứng từ tranh Hàng Trống để thiết kế nên không gian nội thất truyền thống kết hợp với hiện đại, thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước". Đó là giải pháp linh hoạt của Quận trong bối cảnh còn nhiều khó khăn về con người, chính sách hỗ trợ và nguồn kinh phí cho hoạt động bảo tồn di sản.
Để các tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị tranh dân gian Hàng Trống đạt hiệu quả bền vững, dòng tranh dân gian Hàng Trống cần được bảo tồn và trao truyền đúng cách, UBND quận Hoàn Kiếm đã trình UBND Thành phố xin chủ trương xây dựng Đề án bảo tồn dòng tranh dân gian Hàng Trống gắn với việc phát huy giá trị di tích đình Nam Hương tại 75 phố Hàng Trống phục vụ phát triển du lịch Thủ đô và quận Hoàn Kiếm giai đoạn 2021 - 2026, những năm tiếp theo.
Từ đó nhằm tiếp tục nghiên cứu, đề xuất phương án thực hiện bảo tồn, phát huy các giá trị dòng tranh dân gian Hàng Trống cùng với công tác truyền nghề và quảng bá các giá trị di sản của dòng tranh Hàng Trống. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút, khuyến khích các nguồn lực xã hội, thành phần kinh tế tham gia bảo tồn và phát huy dòng tranh Hàng Trống. Tiếp tục hoàn thiện về không gian, cảnh quan của di tích đình Nam Hương và tượng đài Vua Lê Thái Tổ để tạo điểm nhấn trong triển lãm tranh dân gian Hàng Trống và dần đưa nơi đây là một điểm đến không thể thiếu trong hành trình tour, tuyến du lịch khi du khách đến Hà Nội.
Quận cũng tiếp tục liên kết với các tổ chức và cá nhân xây dựng, tạo ra các sản phẩm phục vụ khách du lịch, trong đó chú trọng sản phẩm, đồ lưu niệm mang tính sáng tạo dựa trên đặc trưng văn hóa dòng tranh dân gian Hàng Trống, để tranh dân gian Hàng Trống là sợ dây kết nối, lan tỏa nghệ thuật truyền thống và hiện đại.
Theo UBND quận Hoàn Kiếm, tranh Hàng Trống có hai nội dung chủ yếu: Một là tranh phục vụ tín ngưỡng tâm linh, trang trí tại các Đền, chùa, đình, miếu, phủ, điện thờ… Hai là phục vụ phong tục chơi tranh cổ truyền, nhất là vào dịp Tết Nguyên Đán. Hai nội dung này dường như song song với nhau.
Cùng với các đề tài phản ánh sinh hoạt hàng ngày hay minh họa tích truyện tranh, tranh Hàng Trống còn nổi trộ về thể loại tranh thờ, ảnh hưởng của Phật giáo và Đạo giáo với hình tượng tương đối bình dị, gần gũi với con người.